Bí quyết xây dựng chiến lược truyền thông bách phát bách trúng

06/05/2021    680    4.6/5 trong 5 lượt 
Bí quyết xây dựng chiến lược truyền thông bách phát bách trúng
Truyền thông mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên để xây dựng một chiến lược hiệu quả không hề dễ. Bí quyết ở đây là gì?

Xác định đối tượng truyền thông

Để truyền thông được thực hiện một cách hiệu quả trước tiên phải xác định rõ đối tượng cần truyền đạt thông tin đến là ai. Đây có thể là những khách hàng tiềm năng, người sử dụng hiện tại, những người ra quyết định hoặc có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.

Việc xác định chân dung đối tượng mục tiêu rõ ràng, chi tiết như về hành vi, nhân khẩu học, phong cách sống...sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa ra các thông điệp phù hợp và định hình được hướng tiếp cận như thế nào qua đó nâng cao mức độ hiệu quả.

Xác định mục tiêu truyền thông

Sau khi xác định được đối tượng cần truyền thông đến doanh nghiệp sẽ cần phải quyết định rõ hơn về mục tiêu mong muốn đạt được khi thực hiện là gì. 

Mục tiêu truyền thông có thể được thiết kế với nhiều mục đích như là xây dựng độ nhận diện thương hiệu, cung cấp thông tin đến khách hàng, thuyết phục khách hàng, nhắc nhở, bán sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Không phải có bất kỳ ý kiến chủ quan hay tổ chức nào có thể xác định được điều này mà đó là sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tình hình công ty, khả năng thị trường, định vị sản phẩm, phân khúc thị trường mục tiêu…

Mục tiêu sẽ là kim chỉ nam cho chiến lược bởi qua đó doanh nghiệp xác định được hướng đi, kiểm soát được quá trình thực hiện và là cơ sở để đo lường kết quả.

Xác định thông điệp truyền thông

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ, khách hàng có thể là đích nhắm đến của rất nhiều các thông điệp truyền thông khác nhau, lượng thông tin họ phải nhận dường như là quá tải. Do vậy để có thể đi vào trong nhận thức của khách hàng, yêu cầu thông điệp phải thật ấn tượng, thu hút.

Theo mô hình AIDA, một thông điệp đúng chuẩn cần phải gây được sự chú ý (Attention), tạo được sự quan tâm (Interest), khơi gợi được mong muốn (Desire), thúc đẩy được hành động (Action) với khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít các thông điệp được thiết kế đi hoàn chỉnh quy trình từ trạng thái nhận thức đến quyết định mua.

Ngoài ra, một thông điệp hiệu quả cần phải giải quyết được 4 vấn đề sau:

  • Nội dung thông điệp là gì: Các doanh nghiệp cần xác định rõ nội dung muốn truyền tải đến khách hàng để đạt được mục tiêu đề ra. Thông điệp có thể xây dựng dựa trên lý tính là những lợi ích của sản phẩm, thông số kỹ thuật, giá cả… hoặc dựa trên cảm xúc của khách hàng như sự năng động, sự hạnh phúc, cảm giác được tôn trọng….

  • Cấu trúc thông điệp như thế nào: Hiệu quả của thông điệp phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của nó. Doanh nghiệp cần lựa chọn giữa việc tự kết luận để truyền tải chính xác nội dung đến khách hàng hay là để họ tự suy diễn kết luận rồi nhờ đó tạo nên các cuộc bàn luận.

  • Hình thức thông điệp ra sao: Biểu đạt một cách sinh động sẽ giúp dễ dàng thu hút và thuyết phục được khách hàng. Tùy vào mỗi công cụ truyền thông sẽ có các hình thức thể hiện thông điệp khác nhau.

  • Nguồn thông điệp nào phù hợp: Những nguồn tin cậy sẽ có sức thuyết phục cao hơn. Có 3 yếu tố giúp làm tăng độ tin cậy của nguồn đó là tính chuyên môn, tính đáng tin và tính khả ái.

Xây dựng chiến lược và lựa chọn phương thức tiếp cận

Sau khi xác định được rõ được đối tượng hướng đến, mục tiêu của truyền thông, thông điệp muốn gửi gắm, doanh nghiệp cần xây dựng nên một chiến lược cụ thể để thực hiện.

Việc xây dựng chiến lược càng cụ thể thì khi thực hiện càng dễ dàng kiểm soát, theo dõi, giúp doanh nghiệp phân bổ được ngân sách, nhân lực và lựa chọn được phương tiện truyền thông phù hợp, hiệu quả

Có 2 kênh truyền thông có thể lựa chọn để thực hiện đó là trực tiếp và gián tiếp.

  • Kênh truyền thông trực tiếp: Sử dụng sự tiếp xúc giữa nhân viên bán hàng và khách, trao đổi qua điện thoại, thư từ với các cá nhân… để truyền thông đến họ. Có thể chia thành 3 kênh nhỏ là kênh giới thiệu, kênh chuyên viên và kênh xã hội.

  • Kênh truyền thông gián tiếp: Đó là việc truyền tải thông điệp đi mà không cần thông qua bất kỳ sự tiếp xúc hay trao đổi trực tiếp nào. Bao gồm các phương tiện truyền thông đại chúng, bầu không khí và sự kiện.

Xác định ngân sách truyền thông

Một trong những khó khăn nhất khi xây dựng một chiến lược truyền thông là xác định được ngân sách. Nếu như chi quá ít sẽ khiến không hiệu quả, còn chi quá nhiều sẽ bị lãng phí , làm gia tăng chi phí và sụt giảm lợi nhuận.

Có 4 cách để xác định được ngân sách:

  • Theo tỷ lệ % doanh số bán: Doanh nghiệp trích ra một tỷ lệ phần trăm trong doanh số bán để làm ngân sách.

  • Phương pháp cân bằng cạnh tranh: Dựa vào ngân sách truyền thông của đối thủ để làm cơ sở.

  • Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ: Phương pháp này sẽ cần phải xác định rõ mục tiêu và những nhiệm vụ cần làm để đạt được mục tiêu, rồi từ đó đưa ra ngân sách phù hợp để tiến hành.

  • Theo khả năng: Doanh nghiệp sẽ tự đưa ra ngân sách theo khả năng tài chính của họ.

Đo lường, đánh giá hiệu quả

Sau khi tiến hành chiến lược truyền thông, để đo lường được hiệu quả doanh nghiệp có thể đối chiếu với những mục tiêu đã đề ra trước đó. Cùng với đó là đối chiếu kết quả đạt được với chi phí đã bỏ ra, tiến hành so sánh chi phí giữa các phương tiện truyền thông và hiệu quả của chúng. 

Việc đánh giá này còn giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm thiếu sót để khắc phục, hiệu chỉnh cho những chiến lược sau.


Lời kết

Việc xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông hiệu quả cần tốn rất nhiều công sức. Cùng với đó là sự phân tích và tầm nhìn chiến lược của những người làm truyền thông. Một chiến lược tốt sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp tuy nhiên nếu thực hiện không tốt sẽ mang đến tác dụng ngược. Mong rằng, với những điều sẽ giúp cho việc định hướng xây dựng chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp được dễ dàng hơn


Bình luận